Trang thông tin điện tử

Sở Xây dựng

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐẢNG ỦY SỞ XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỌC TẬP, QUÁN TRIỆT TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 66 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 68 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ

Sáng ngày 18/5/2025, tại Hội trường Sở Xây dựng, Đảng ủy Sở Xây dựng tổ chức học tập, quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu của Bộ Chính trị. Về tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ Sở, Uỷ viên Uỷ Ban Kiểm tra Đảng uỷ Sở cùng toàn thể đảng viên, công chức và người lao động thuộc khối Cơ quan Sở. Ngoài điểm cầu được kết nối tại Cơ quan Sở Xây dựng, đối với các chi bộ: Chi bộ 2, chi bộ 9, chi bộ 10, chi bộ 11, chi bộ 12 trực thuộc Đảng bộ Sở cũng tổ chức các điểm cầu tại đơn vị cho đảng viên, công chức, viên chức và người lao động theo dõi, học tập Nghị quyết.

Quang cảnh buổi học tập Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 tại điểm cầu Cơ quan Sở Xây dựng

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW". Trong đó, tập trung giới thiệu 5 nhóm nội dung chủ yếu: Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số  138/NQ-CP ngày 16-5-2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17-5-2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và phần tổ chức thực hiện. Theo đó, Nghị quyết số 68 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối khác của Đảng.

Tiếp theo chương trình Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW". Nghị quyết số 66-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy. Theo đó, lộ trình năm 2025 là cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đến thời điểm hiện nay, có thể gọi 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân) là “Bộ tứ trụ cột” để giúp đất nước ta “cất cánh”. Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những nghị quyết mới theo phương châm: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân” như Bác Hồ từng dạy. Đồng thời, mỗi người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển; cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.

Để hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chiến lược đã đề ra, Bộ Chính trị cũng yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng ngay sau hội nghị được triển khai cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung hội nghị trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; khẩn trương cụ thể hóa, đưa các quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng thành hành động cụ thể, đạt hiệu quả rõ nét và thực chất. Đồng thời, tăng cường tính định hướng, tính kịp thời, tính chiến đấu, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong xã hội, để mỗi quyết sách được lan tỏa bằng sự thấu hiểu, đồng hành và chia sẻ, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc trong kỷ nguyên mới của dân tộc./.


Tác giả: (Văn phòng Sở)

Thống kê truy cập

Đang online: 51
Hôm nay: 226
Hôm qua: 1.313
Năm 2025: 3.028.714
Tất cả: 3.028.726