Truy cập nội dung luôn
SỞ XÂY DỰNG

TỈNH QUẢNG NGÃI

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số họp phiên thứ 8 triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới

25/04/2024 11:06    253

Sáng 24-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn và và các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi.

 

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, về phát triển dữ liệu số: hiện có 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) theo quy định. Tổng số CSDL thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau hiện nay là 2398 CSDL, tăng 311 (14,5%) CSDL so với năm 2023.

Điển hình như CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 04 doanh nghiệp; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã kết nối với 388 hệ thống, CSDL của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày khoảng 2,8 triệu giao dịch.

Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các Cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.

Về phát triển hạ tầng số, báo cáo cho biết hiện 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng. 100% xã kết nối Internet cáp quang. Di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định.

Điểm cầu Quảng Ngãi

Điểm cầu Quảng Ngãi

 

Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp: hiện có 80,44% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Cổng dịch vụ công quốc gia có trên 13,2 triệu tài khoản người dùng; trên 4.500 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp; hoàn thành cung cấp 41/53 dịch vụ công thiết yếu.

Về phát triển kinh tế số, theo tính toán của Bộ TT&TT, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%, năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP. Với mức tăng trưởng này, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.

Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 08 dịch vụ tiện ích. 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân. 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Trong xây dựng, hoàn thiện thế chế, một số Nghị định hướng dẫn Luật đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành triển khai chậm; trong công tác kiện toàn tổ chức bộ máy nâng cao năng lực quản lý nhà nước về chuyển đổi số, nhiều bộ, ngành, địa phương chậm, chưa có Kế hoạch thực hiện Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng năm 2030; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp, mới chỉ đạt khoảng 38,3%. Việc triển khai, thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương còn chậm, mặc dù đã có quy định, hướng dẫn cụ thể; toàn quốc vẫn còn 1.077 thôn chưa có sóng băng rộng di động (vùng lõm sóng); trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, trên 30% hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương chưa có giải pháp đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ.

 

Chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Tại hội nghị, các báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đánh giá tình hình, nêu bật những thành tựu, kết quả, tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, chia sẻ cách làm hay, những bài học kinh nghiệm trong chuyển đổi số thời gian qua; nêu các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và đề xuất, kiến nghị các vấn đề liên quan để thực hiện công tác chuyển đổi số đạt kết quả toàn diện hơn trong thời gian tới.

Nguồn P.V